Mạng lưới tàu điện ở Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới vì tính ưu việt và đúng giờ. Tại thủ đô Tokyo, gần 40 triệu hành khách đi lại trên các tuyến giao thông công cộng nội đô mỗi ngày. Trong số này, 22% - tương đương 8,7 triệu người sử dụng tàu điện ngầm.
Mặc dù có rất nhiều tàu, nhiều chuyến liên tiếp như vậy nhưng mật độ hành khách luôn cực kỳ đông đúc, đặc biệt trong những giờ cao điểm. Nhiều người nghĩ rằng vì có nhiều chuyến tàu, lại chạy liên tục vậy cứ chờ tới chuyến sau, nếu thấy vắng thì lên. Nhưng vấn đề là chuyến tàu nào tới cũng đều đang trong tình trạng đầy ứ hành khách.
Thế là trong cái khó ló cái khôn. Để có thể chất đầy được gấp 2 lần lượng hành khách trên các cabin tàu, đơn vị quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật bản là Japan Rail đã tuyển dụng những nhân viên được gọi là 押し屋 "oshiya" (trong đó 押し nghĩa là "đẩy, nhấn") với mục đích chính là đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.
Tuy nhiên, các bạn đừng vội nghĩ công việc của một 押し屋 chỉ dừng lại ở việc đẩy và nhét khách. Khi trở thành một 押し屋 chính hiệu sẽ gồm 9 công việc cơ bản sau:
1. Kiểm tra độ an toàn trước khi vào tàu.
2. Quan sát việc hành khách lên xuống khi tàu đến.
3. Hướng dẫn những hành khách không thể lên hết trên tàu đến những cửa còn trống ngay trước khi khởi hành.
4. Thông báo cho người soát vé bằng cách giơ cờ hoặc tay, đèn khi cửa đóng và tình trạng trên tàu đã ổn.
5. Khi cửa tàu đóng lại, kiểm tra xem thân thể và hành lý của hành khách có bị vướng vào cửa hay không (nếu có vật bị kẹt lại và cửa chưa đóng hoàn toàn, đèn báo trên mỗi toa sẽ sáng, vì thế có thể dễ dàng xác định cửa vẫn còn đang mở)
6. Nếu có vật bị kẹt lại, đẩy hoặc mở cửa bằng tay để chỉnh sửa lại.
7. Khi đã hoàn thành công việc tại khu vực của mình thì chuyển sang khu vực khác để giúp đỡ. Giả sử có trường hợp dây đeo của túi, đặc biệt là ba lô bị kẹt vào cửa và cửa không mở được nên sẽ rất khó xuống tàu. Vì vậy 押し屋 cũng cần đặc biệt chú ý. Và lúc này 押し屋 cũng kiêm luôn vai trò của 剥がし屋 (hagashiya) làm nhiệm vụ đưa những khách đang cố lên tàu.
8. Ngay cả khi cửa được đóng hoàn toàn nhưng vẫn còn hành lý bị kẹt lại và 押し屋 nhận định là không thể chỉnh lại vị trí đó thì sẽ ra hiệu cho người soát vé để mở và đóng lại.
9. Sau khi cửa đóng hoàn toàn, thông báo cho người soát vé bằng cách giơ cờ hoặc tay, đèn hiệu một lần nữa. Người soát vé sử dụng đèn báo và ra hiệu cho người lái xe khởi hành.
Khi những 押し屋 lần đầu tiên được đưa vào làm việc tại ga Shinjuku của Tokyo, họ được gọi là "nhân viên sắp xếp hành khách" và phần lớn là các sinh viên làm việc bán thời gian. Hiện nay, dù không còn những 押し屋 chuyên dụng nhưng cứ đến giờ cao điểm, các nhân viên toàn thời gian và bán thời gian của cả nhà ga được huy động làm công việc này. Ngoài ra do tính chất công việc, tránh tình trạng quá căng thẳng nên các nhà ga thường bố trí để nhân viên của họ thực hiện công việc "đẩy người" trong 60 - 90 phút trong ngày và một tuần không quá 2 - 3 lần.
Ngày tạo: 21/10/2021 114 lượt xem