Ngày nay, cùng với phát triển kinh tế và sự hội nhập của văn hóa phương Tây, Nhật Bản đang vươn mình trỗi dậy về mọi mặt. Thế nhưng, đất nước này vẫn luôn giữ cho mình những nét đẹp truyền thống, điển hình là những phong tục trong ngày Tết. Hãy cùng tìm hiểu đôi nét văn hóa về ngày Tết ở Nhật qua bài viết dưới đây nhé.
1. Lịch sử Tết nhật bản - お正月 (oshogatsu)
Ngày Tết trong tiếng Nhật là お正月 (oshougatsu). Tết cổ truyền bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigami Sama, đây là vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và tài lộc. Giống với Việt Nam chúng ta, Nhật Bản đã từng có tết cổ truyền theo âm lịch. Tuy nhiên, để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế, Nhật Bản chính thức bỏ tết âm và chuyển qua tết dương. Tức là ngày đầu tiên của tháng dương lịch. Đây là quãng thời gian sum họp gia đình có thể nói là vui nhất trong năm.
2. Một số hoạt động trong ngày Tết.
大晦日 (Omisoka) là cụm từ chỉ ngày 31/12. Vào thời điểm này, các khu chơ cũng như trung tâm mua sắm khá đông vui và nhộn nhịp. Tuy nhiên, một vài những ngày trước đó, chúng ta cũng có thể cảm nhận được không khí của ngày Tết thông qua một số các hoạt động sau:
・Tổng vệ sinh - お掃除 (Osoji)
Ngày xưa, người Nhật thường tiến hành dọn dẹp nhà cửa vào ngày 13/12, và ngày này được gọi là Susuharai. Tuy nhiên, do sự bận rộn của công việc, mà hiện nay, việc dọn dẹp có thể tiến hành vào ngày cuối cùng của tháng 12. Hiện nay, vẫn có các Thần điện hay chùa chiền tiến hành việc dọn dẹp vào ngày 13 linh thiêng này.
・Trang trí nhà cửa,treo dây kết giới しめ縄 (shimenawa)
Ngày đẹp để tiến hành trang trí nhà cửa là ngày 28 hoặc ngày 30. Tuyệt đối tránh làm vào ngày 29. Bởi số 2 mang ý nghĩa 2 lần, số 9 trong tiếng Nhật đọc là く(Ku), trong từ苦しい(Kurushi) mang ý nghĩa đau khổ. Ba món đồ thường được trang trí trong dịp tết đó chính là:
- Kagami mochi : Đây chính là mâm bánh dày, được trang trí một quả cam ở phía trên, là nơi cư trú khi các vị thần khi ghé thăm nhà. Chính vì vậy, kagami mochi luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà.
- Kadomatsu : Được trang trí bởi ba cây tre vát chéo, xung quanh được trang trí bởi những cành thông. Kadomatsu thường được đặt ở trước cửa nhà hay lối ra vào của công ty, mang ý nghĩa một năm mới hanh thông, vạn sự tốt lành.
- Shimekazari : Là một vòng tròn thường được quấn bằng rơm. treo ở cửa ra vào với mong muốn trừ quỷ, trừ tà.
・Viết thiệp chúc Tết - 年賀状(Nengajo)
Những tấm thiệp xinh xắn được viết bằng tay, in hình những con giáp ngộ nghĩnh hay là những biểu tượng như núi Phú Sĩ, hoa Anh Đào. Thiệp chúc mừng cần được viết và gửi đi từ trước ngày 31/12 . Bên vận chuyển của bưu điện sẽ phân loại, sắp xếp, và chuyển phát tới người nhận vào đúng sáng ngày 1 Tết.
・Đi viếng đền, chùa ngày 1 Tết - 初もうで (Hatsumode)
Hatsumode mang ý nghĩa đi viếng đền, chùa ngày đầu năm. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người Nhật đi vào khoảnh khắc sau giao thừa. Vào dịp này, thần điện ở mọi nơi không kể lớn nhỏ đều tấp nập người đến viếng.
・Lì xì đầu năm - お年玉 (Otoshidama) và các hoạt động vui chơi
Trẻ em sẽ nhận được những bao lì xì đáng yêu với số tiền dao động từ 1000 yên - 3000 yên mang ý nghĩa cầu chúc cho người nhận luôn khỏe mạnh, công việc và học hành ngày một thăng tiến, vạn sự hanh thông. Trò chơi thường được chơi vào ngày Tết thường là thả diều hay đánh cầu lông. Đây là những trò chơi thu hút khá nhiều người tham gia.
3.Những món ăn trong ngày Tết
・Món ăn của ngày 31/12 sẽ là mì Soba. Sợi mì Soba dài tượng trưng cho sự trường thọ, thon và trơn tuột tượng trưng cho mọi sự suôn sẻ, xuôi chèo mát mái. Mì có thể ăn vào buổi trưa hay xế chiều, nhớ đừng ăn vào buổi tối nhé, như thế sẽ phản tác dụng và mang lại điềm xấu đó.
・ Món ăn dành cho ngày nguyên đán 1/1 thường là canh Ozoni có bánh dày.Truyền thuyết Nhật Bản tương truyền rằng, vào ngày 1 Tết, vị thần Toshidon sẽ xuất hiện và trao bánh dày cho những em bé ngoan ngoãn và biết nghe lời. Với mong muốn sẽ nhận thêm được nhiều món quà hơn nữa từ thần linh, phong tục ăn bánh dày vào ngày 1 Tết vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.Ngoài ra người Nhật còn ăn những set đồ ăn phong phú gọi là お節 (osechi).
Đêm giao thừa ở Nhật hầu như sẽ không bắn pháo hoa để chúc mừng. 108 tiếng chuông chùa sẽ vang lên trong không khí trầm ấm đêm giao thừa. Người Nhật tin rằng, 108 tiếng chuông đó tượng trưng cho 108 điều ham muốn trần tục của con người. 108 tiếng chuông này kết thúc cũng là lúc những điều đau khổ của năm cũ qua đi, chào đón một năm mới vui vẻ và gặt hái được nhiều thành công. Nếu có cơ hội đến Nhật, hãy cố gắng trải nghiệm những giây phút đón năm mới tại đây nhé. Chắc chắn sẽ là những hình ảnh không bao giờ làm bạn phải thất vọng đâu.
Ngày tạo: 31/12/2021 51 lượt xem